Đền Đào Nương

Đền Đào Nương
Lịch Sử
Khởi Công 1433
Hoàn Thành Không rõ
Đền thờ bà Đào Nương, người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh

Chi Tiết Về Đền Đào Nương

Đền Đào Nương Chi Tiết Cấp Tỉnh

       (Đền Mẫu Đào Nương) thờ Đào thị Huệ, thôn Đào Đặng, Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên. Đền được xây dựng thời Thái Tông (1433), năm 1952 bị phá hủy, sau được phục dựng lại trên nền móng cũ. Đền được xếp hạng "Di tích lịch sử" theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988. Hiện nay còn lưu giữ hiện vật như: Kiệu bát cống, chuông đồng, đại tự, câu đối. Lễ hội hằng năm tổ chức từ ngày mồng 1 đến 6 tháng 2 âm lịch.

Đền Đào Nương

 Đền thờ bà Đào Nương, người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh. Đào Nương tên thật là Đào Thị Huệ, một người con gái không chỉ có sắc mà còn có tài hát hay, nổi tiếng khắp tổng Cao Cương, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu xưa (nay là thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên). Vào thế kỷ XV, mượn cớ “phù Trần diệt Hồ”, nhà Minh đem quân xâm lược nước ta. Khi tới làng Đào Đặng, thời đó vẫn còn là một vùng sình lầy, lau sậy um tùm, quân giặc không quen phong thổ thường sinh bệnh tật và chết vì muỗi độc. Đào nương nghĩ ra kế giết giặc, dùng lời ca, tiếng hát làm cho chúng mê hoặc, lừa chúng chui vào bao gai tránh muỗi đốt, rồi bí mật cùng trai tráng chờ đêm khuya khi giặc ngủ say, đến khiêng từng bao ném xuống sông Đà Giang. Thấy lực lượng ngày càng hao hụt mà không rõ nguyên nhân, giặc Minh sợ hãi rút quân. Dân làng Đào Đặng được trở về làm ăn sinh sống. Khi nàng Đào Thị mất, dân làng tưởng nhớ công lao của bà đã lấy tên bà đặt cho tên thôn và xây dựng đền thờ Bà. Vua Lê Thái Tổ phong bà làm “Phúc thần” cho sửa lại đền thờ và cấp ruộng cúng tế hằng năm. Ngôi đền Ả Đào đã trở thành di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, niềm tự hào của nhân dân trong vùng.

  Theo truyền ngôn của nhân dân địa phương thì đền được xây dựng vào năm Quý Sửu thời vua Lê Thái Tông (1433). Đền được xây dựng kiểu “nội Công ngoại Quốc” với tổng số 29 gian nhưng năm 1952, thực dân Pháp đã phá huỷ để xây dựng đồn bốt. Đến năm 1957, nhân dân địa phương đã công đức phục dựng lại 03 gian Hậu cung trên nền móng cũ với kiến trúc đơn giản. Sau đó, đền Mẫu được phục dựng thêm 05 gian Tiền tế và 03 gian Trung từ tạo thành kiến trúc kiểu “Tiền Nhất hậu Đinh” cho ngôi đền. Hiện nay, các hạng mục kiến trúc tương đối đồng bộ, vững chắc mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Tại đền còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, tiêu biểu là tượng bà Đào Nương, ngọc phả, kiệu bát cống, chuông đồng, cuốn thư, ngai thờ, câu đối, đại tự.

  Nhằm tôn vinh vị sư tổ nghệ thuật hát Ả Đào và tưởng nhớ công lao của bà Đào Nương, hằng năm vào từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 6 tháng 2 âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội tưng bừng, đông vui và nhộn nhịp. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi thức tế, lễ diễn ra trang nghiêm và thành kính. Trong phần lễ, đặc sắc nhất là nghi thức rước kiệu Đào nương từ đền đến đình làng do phái nữ trong làng đảm nhiệm. Phần hội là các trò chơi dân gian truyền thống thu hút đông đảo nhân dân tham gia như thi đánh cờ tướng, kéo co, cầu lông, chọi gà, nấu cỗ chay, thi gói bánh tẻ, thi gằn gạo và đặc biệt là hát ả đào.

  Đền Đào Nương được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích “Lịch sử” cấp Quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/11/1988.