Đền Tân La

Đền Tân La
Lịch Sử
Khởi Công Năm 43 của TK-XX
Hoàn Thành Không rõ
Đền Tân La thờ Bát Nàn tướng quân, tên thật là Vũ Thị Thục, một vị tướng xuất sắc

Chi Tiết Về Đền Tân La

Đền Tân La Chi Tiết Cấp Tỉnh

         Đền thờ Bát Nạn tướng quân Thị Thục (tướng thời Hai Trưng), thôn Đoàn Thượng, Bảo Khê, thành phố Hưng Yên. Đền được xây dựng từ lâu, đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Đền được xếp hạng "Lịch sử nghệ thuật" theo Quyết định số 154-QĐ ngày 25/01/1991. Hiện nay còn lưu giữ hiện vật như: Đại tự, câu đối, tượng thờ. Lễ hội hằng năm tổ chức từ ngày 15 đến 17 tháng 3 âm lịch.

Đền Tân La
Đền Tân La toạ lạc trên khu đất rộng với những tán cây cổ thụ sum suê thuộc địa phận thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê. Nơi đây, cây cối rậm rạp, hầu hết có niên đại hàng trăm năm tuổi, giống như một khu rừng nhỏ nằm giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đền thờ Bát Nàn tướng quân Vũ Thị Thục, một vị tướng xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống lại quân Đông Hán xâm lược nước ta trong thời kỳ Bắc thuộc.

 Bát Nàn tướng quân tên là Vũ Thị Thục, thân phụ là ông Vũ Công Chất, Hào trưởng trang Phượng Lâu; thân mẫu là bà Hoàng Thị Mầu thuộc châu Bạch Hạc. Gia đình có nghề làm thuốc, thường tới vùng rừng núi hái thuốc và cứu nhân độ thế. Vũ Thị Thục là một người con gái nổi tiếng xinh đẹp, võ nghệ giỏi nhất vùng. Năm Thục Nương 18 tuổi, Thái thú Giao Chỉ lúc đó là Tô Định nghe tiếng tài sắc của Thục Nương đã ép ông Vũ Công Chất phải gả Thục Nương cho hắn, nhưng cha mẹ Thục Nương từ chối vì đã nhận trầu cau ăn hỏi của cha mẹ Phạm Danh Hương, một Hào mục ở Liệp Trang. Tô Định tìm cách giết hại Vũ Công Chất và Phạm Danh Hương, sau đó cho quân lùng bắt Thục Nương. Được nhân dân che chở, Thục Nương đã chạy thoát ra phía sông Hồng cùng một số người thân lên thuyền xuôi vùng Tân La thuộc đạo Sơn Nam. Tại đây, Thục Nương đã chiêu binh mãi mã, huấn luyện quân thủy, bộ, tích trữ lương thảo. Biết tin bà lập căn cứ ở Tân La, Tô Định nhiều lần cho quân tiến đánh nhưng đều thất bại, không dám bén mảng tới căn cứ.

  Mùa xuân năm 40 của thế kỷ XX, Hai Bà Trưng chuẩn bị khởi nghĩa ở Mê Linh đã cho sứ giả đem hịch đến vời Thục Nương đưa quân bảo hộ gia nhập đội quân khởi nghĩa do Hai Bà lãnh đạo. Thục Nương được phong là Đại tướng trưởng lĩnh tiền đạo, lập nhiều chiến công nên được phong Đông Nhung Đại tướng quân. Dẹp xong giặc Tô Định, Trưng Trắc xưng vương đóng đô ở Mê Linh và phong cho Vũ Thị Thục là Bát Nàn đại tướng quân Trinh Thục công chúa. Khi Mã Viện đưa quân sang xâm lược, Thục Nương lại sát cánh chiến đấu bên cạnh Hai Bà Trưng ở Lẵng Bạc, Cấm Khê. Khi Hai Bà Trưng tự tận, Vũ Thị Thục rút quân về vùng Tân La, tại đây bà đã chiến đấu ngoan cường,... Bát Nàn tướng quân mất ngày 16 tháng 3 năm Quý Mão (năm 43). Để ghi nhớ công lao của bà, nhân dân vùng Tân La đã lập đền tôn thờ bà.

  Nơi đây còn là căn cứ tập kết của các quân sỹ tập luyện ngày đêm trong Phong Trào Cần Vương, trở thành cơ sở cách mạng vững chắc, nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Đền Tân La được coi như hộp thư kín, nơi chỉ đạo tấn công địch trên đường 39A, phá bốt Dốc Suối.

  Trải qua thời gian, đền Tân La đã được trùng tu, tu sửa nhiều lần. Đền có kiến trúc kiểu “Tiền chữ Nhất hậu chữ Công” gồm các hạng mục: Tiền tế, Trung từ, Ống muống và Hậu cung. Trong đó, tòa Tiền tế gồm 05 gian, được làm theo lối giả cổ. Các hạng mục còn lại có kiến trúc gỗ, kết cấu các bộ vì kiểu vì giá chiêng, kèo, quá giang đơn giản. Nội thất đền Tân La được trang trí bằng hệ thống đại tự, câu đối, tượng pháp sơn son thếp vàng lộng lẫy và linh thiêng.

  Xưa kia, lễ hội đền Tân La thường kéo dài từ đầu tháng đến cuối tháng 3 âm lịch. Trong lễ hội có tổ chức rước nước từ sông Hồng về đền, ngoài ra còn có các trò chơi dân gian như: Cờ tướng, kéo co, chọi gà, biểu diễn văn nghệ… thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Ngày nay, lễ hội được tổ chức đơn giản hơn, thời gian hội diễn ra ngắn hơn, lễ hội được tổ chức vào các ngày 15, 16, 17 tháng 3 âm lịch, nhưng vẫn bảo đảm nội dung và quy trình của lễ hội cổ truyền.