Đình - Đền - Chùa Đào Đặng

Đình - Đền - Chùa Đào Đặng
Lịch Sử
Hoàn Thành Không rõ
 Hiện nay, cụm đình, đền, chùa còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị

Chi Tiết Về Đình - Đền - Chùa Đào Đặng

Đình - Đền - Chùa Đào Đặng Chi Tiết Cấp Tỉnh

          Đình, đền thờ Trần Lữu các con (Thượng Linh Công, Đệ Nhất Linh Công, Hương Linh Công, Nhị Linh Công, Hải Linh Công, Giang Linh Công, Phạm Linh Công). Chùa (Hưng Phúc tự) thờ Phật, thôn Đào Đặng, Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên. Cụm di tích được xây dựng từ lâu, trùng tu thời Lê, Nguyễn, xếp hạng "Lịch sử kiến trúc" theo Quyết định số 226-QĐ/BT ngày 5/2/1994. Hiện nay còn lưu giữ hiện vật như: Thần tích, sắc phong, đại tự, câu đối từ thời Lê, Nguyễn. Lễ hội hằng năm từ ngày mồng 1 đến 6 tháng 2 âm lịch.

Đình - Đền - Chùa Đào Đặng
 
Cụm đình, đền, chùa Đào Đặng nằm cách trung tâm thành phố Hưng Yên khoảng 7km thuộc địa phận thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa. Đình, đền Đào Đặng là nơi thờ Trần Lữu và các con Thượng Linh Công, Đệ Nhất Linh Công, Hương Linh Công, Nhị Linh Công, Hải Linh Công, Giang Linh Công, Phạm Linh Công. Các vị là những tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, có công đánh giặc Nam Hán xâm lược vào những năm đầu sau Công Nguyên. Sau khi mất, các ông được nhân dân Đào Đặng lập đền thờ phụng.

  Đình, đền, chùa Đào Đặng được khởi dựng từ khá sớm song do thời gian và biến động của lịch sử nên cụm di tích đã bị hư hại. Đến thời Nguyễn, cụm đình, đền, chùa Đào Đặng được trùng tu, tôn tạo lại. Thực tại, ngôi đình có kiến trúc chính hình chữ Đinh gồm 02 toà Đại bái và Hậu cung. Đại bái 03 gian 02 chái, liên kết bộ vì theo kiểu phần trên chồng rường con nhị, phần dưới kẻ chuyền. Các khoảng hoành bố trí “thượng tứ hạ ngũ”, các cấu kiện được chạm khắc bong kênh hoa lá cách điệu. Gian trung tâm toà đại bái được chạm khắc tương đối cầu kỳ, bốn đầu dư chạm hình đầu rồng mang kiến trúc thời Nguyễn. Hậu cung 03 gian, kiến trúc bộ vì kiểu chồng rường đấu sen được chạm khắc cầu kỳ và tinh xảo.

  Đền Đào Đặng có kiến trúc hình chữ Quốc với các hạng mục Tiền tế, Thiêu hương, Trung từ và Hậu cung. Tiền tế 05 gian, kiến trúc bộ vì theo kiểu chồng rường đấu sen. Các cấu kiện được chạm khắc cầu kỳ theo lối kiến trúc cổ truyền Việt, với các đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá cách điệu,... Qua toà Thiêu hương là 03 gian Hậu cung kiến trúc kiểu chồng rường đấu sen. Gian trung tâm hậu cung đặt khám thờ Trần Lữu.

  Chùa Đào Đặng (Hưng Phúc tự) là nơi thờ Phật, nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương, nơi con người tìm đến để cầu mong sự thanh thản trong nội tâm và khuyên răn con người làm việc thiện như lời giáo hoá của đức Phật.

  Chùa có kiến trúc hình chữ Nhị gồm Tiền đường, Thượng điện và 02 dãy Hành lang. Toà Tiền đường 03 gian, kiến trúc bộ vì kiểu chồng rường đấu sen. Các cấu kiện chủ yếu là bào trơn đóng bén. Thượng điện kiến trúc đơn giản.

  Hiện nay, cụm đình, đền, chùa còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị như: 01 cuốn thần tích, 22 đạo sắc của triều Lê và Nguyễn, 02 đĩa sứ, đại tự, câu đối, ngai thờ,....

  Hằng năm, mỗi độ tết đến xuân về, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội tại cụm di tích đình, đền, chùa Đào Đặng từ ngày mồng 01 đến ngày mồng 06 tháng 02 âm lịch. Trong lễ hội có tế lễ, rước kiệu và nhiều trò chơi dân gian khác như: đánh cờ, kéo co, chọi gà,... thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương tham gia. Cụm di tích đình, đền, chùa, Đào Đặng được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích “Lịch sử và kiến trúc” cấp Quốc gia tại Quyết định số 226-VH/QĐ ngày 05/02/1994.