Đền và lăng Doãn Nỗ

Đền và lăng Doãn Nỗ
Lịch Sử
Khởi Công 1439
Hoàn Thành Không rõ
Đền thờ Thượng tướng quân Doãn Nỗ (1393 - 1439), là một khai quốc công thần thời Hậu Lê

Chi Tiết Về Đền và lăng Doãn Nỗ

Đền và lăng Doãn Nỗ Chi Tiết Cấp Tỉnh

        Đền thờ Thượng tướng quân Doãn Nỗ (1393 - 1439), thôn Phương Trung, Phương Chiểu, thành phố Hưng Yên. Đền Lăng mộ được xây dựng thời Hậu Lê, trùng tu thời Nguyễn, gần đây được mới tôn tạo lại. Đền lăng được xếp hạng "Di tích lịch sử" theo Quyết định số 1568-QĐ/BT ngày 20/4/1995. Hiện nay còn lưu giữ hiện vật như: Đại tự, câu đối. Lễ hội hằng năm tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng. 

Đền và lăng Doãn Nỗ
     Ngôi đền toạ lạc trong khuôn viên khoáng đạt rộng hơn 1.000m2 tại thôn Phương Trung, xã Phương Chiểu. Nơi đây đất tốt, bốn mùa cây cối xanh tươi, qua các đời có nhiều anh hùng hào kiệt kế thế.
      Đền thờ Thượng tướng quân Doãn Nỗ (1393 - 1439), là một khai quốc công thần thời Hậu Lê. Ông là một vị tướng tài giỏi của Lê Lợi đã có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh thế kỷ XV. Ông có nguồn gốc xuất thân từ một vọng tộc khá lâu đời ở chạ Kẻ Nưa (nay là làng Cổ Đinh, xã Minh Tân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá). Doãn Nỗ là con thứ hai của cụ Doãn Quyết - người đã từng thi đỗ Tam trường, làm cung hiển đại phu dưới triều Trần. Năm Ất Mùi (1415) quân Minh vây ép, tàn sát vùng Nông Cống giết hơn 3000 người, riêng hương Cổ Na (Kẻ Nưa) chỉ còn 18 người chạy thoát, trong đó có hai anh em ông. Năm 1416, Doãn Nỗ tìm về với Lê Lợi, tham gia hội thề Lũng Nhai và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Năm 1425, Lê Lợi cử ông cùng quan Tư đồ Trần Nguyên Hãn chiêu dụ nhân dân đem 1000 quân đánh vào phía Nam giải phóng thành Tân Bình, Thuận Hoá (các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế ngày nay) để mở rộng địa bàn. Quân Minh phải rút vào thành cố thủ. Từ đó, nghĩa quân Lam Sơn mới có một hậu phương vững chắc tiến lên phản công ra Bắc, giải phóng Thăng Long vào năm 1427.

  Sau khi kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, khi xét công ban thuởng, ông được vua Lê Thái Tổ ban Quốc tính (họ nhà Vua) nên còn gọi là Lê Nỗ, và là một “Khai quốc công thần”. Nhà vua phong ông làm Trung lượng đại phu, Tả bổng thánh vệ tướng quân, tước Đại trí tự. Sau đó, ông được phong Trụ quốc công thượng tướng quân quản đạo Sơn Nam (tự lệnh quân khu Sơn Nam - thuộc địa bàn các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng ngày nay). Ông được ban ấp lộc điền ở làng Hương Chiếu (nay là xã Phương Chiểu). Ông đưa cả gia đình chuyển từ làng Hạ Yên Quyết (làng Cót) ở Kinh thành về Hương Chiếu, hình thành lên dòng họ Doãn ở Hưng Yên.

  Ngôi đền được khởi dựng ngay khi ông mất (thời Lê), ban đầu là một miếu nhỏ với kiến trúc chữ Đinh, trải qua thời gian ngôi miếu được trùng tu, tôn tạo ngày một to đẹp hơn. Hiện nay, đền có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam gồm Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Tiền tế 05 gian, dựng theo lối cổ tứ trụ lòng thuyền con chồng đấu sen, chạm khắc hoa lá. Toà Trung từ đặt khám thờ thân phụ của Doãn Nỗ là cụ Doãn Quyết và thân mẫu họ Nguyễn. Toà Hậu cung đặt tượng Thượng tướng quân Doãn Nỗ. Các hạng mục tương đối vững chắc, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của con cháu dòng họ Doãn và nhân dân địa phương đến chiêm bái, thể hiện lòng tri ân, thành kính với bậc tiền nhân.

  Cách đền 500m về phía Đông là Lăng mộ của Thượng tướng quân. Lăng được xây trên khu đất “Hình long ẩm thuỷ” (hình con rồng uống nước) với thế “Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”. Lăng mộ ông nằm trên gò đất cao, xung quanh là đồng ruộng. Lăng có diện tích 16m2, được xây hai tầng tám mái. Mặt trước lăng đắp nổi hàng chữ “Lăng Doãn Công thần”. Cạnh Lăng là tấm bia hậu lược ghi về thân thế, sự nghiệp của Doãn tướng công bằng chữ Quốc ngữ để tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ một danh tướng tiêu biểu thời Lê được cả nước tôn thờ.

  Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, đến nay đền thờ Thượng tướng quân Doãn Nỗ còn lưu giữ được một số hiện vật rất có giá trị tiên biểu là cuốn gia phả chi họ Doãn ở Phương Chiểu, cuốn hợp phả họ Doãn, một đạo sắc phong thời Lê, các bức đại tự, câu đối và tượng Thượng tướng quân Doãn Nỗ,... Số hiện vật tuy không lớn, song nó đã góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử đất nước, lịch sử danh nhân và cả lịch sử làng xã cùng những mối quan hệ thuyết thống dòng họ. Bên cạnh đó, một số hiện vật, đồ thờ còn làm giàu cho nền nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

  Hằng năm, vào ngày 19 tháng Giêng, nhân dân địa phương lại tổ chức lễ hội long trọng để tưởng nhớ đến Thượng tướng quân. Đây cũng là dịp thể hiện niềm tự hào, lòng biết ơn của con, em dòng họ Doãn và toàn thể nhân dân với vị khai quốc công thần đã có nhiều công lao đối với đất nước.