Đền Đa Hòa

Đền Đa Hòa
Lịch Sử
Khởi Công 1894
Hoàn Thành Không rõ
  Đây là ngôi đền chính thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân

Chi Tiết Về Đền Đa Hòa

Đền Đa Hòa Chi Tiết Cấp Tỉnh

Nếu có dịp xuôi dòng sông Hồng, giữa trời mây sông nước mênh mang, dừng chân ở đền Đa Hòa thuộc địa phận làng Đa Hòa, xã Bình Minh, du khách hẳn không quên câu chuyện về thiên tình sử đẹp nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, giữa nàng công chúa xinh đẹp với chàng trai đánh cá nghèo.

Đền Đa Hòa

  Đây là ngôi đền chính thờ Đức thánh Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa (con gái Hùng Vương thứ 18) và Tây Sa công chúa. Các vị đi vào tâm thức dân gian và trường tồn qua năm tháng, không chỉ là biểu tượng bất diệt của tình yêu mà còn tượng trưng cho chí hướng phát triển cộng đồng, khai phá khu vực đầm lầy chiêm trũng thành những cánh đồng trù phú, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, mở mang việc buôn bán thông thương,… góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Chử Đồng Tử còn được nhân dân suy tôn là một trong bốn vị thánh bất tử của thần linh Việt. Bởi thế, các vị được nhân dân ở nhiều nơi trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng lập đền, miếu hương hỏa thờ phụng.

  Đền Đa Hoà được xây dựng từ xa xưa, trải qua những biến thiên của lịch sử, ngôi đền cũ không còn. Đến thời Nguyễn, niên hiệu Thành Thái thứ 6 (năm 1894), quan Án sát tỉnh Hưng Yên là tiến sĩ Chu Mạnh Trinh người địa phương đã đứng ra vận động nhân tài và vật lực trong nhân dân 08 thôn thuộc tổng Mễ Sở và thập phương công đức xây dựng lại đền trên nền móng của ngôi đền cũ. Hiện nay, khu đền toạ lạc trên diện tích 18.720m2 với tổng cộng có 18 hạng mục công trình lớn nhỏ khác nhau nằm trên một trục thần đạo, trải dài từ nhà bia vào đến Hậu cung, gồm: Trấn giang lâu, lầu chuông, lầu khánh, ngọ môn. Khu chính có các toà: Đại tế, Thiêu hương, đệ Nhị cung, đệ Tam cung và Hậu cung. Hai bên là các nhà thảo xá, thảo bạt, nhà ngựa, phương đình. 18 nóc nhà lớn nhỏ là ý tưởng của người thiết kế muốn nhắc nhở người đời sau nhớ đến thiên tình sử của nàng công chúa Tiên Dung khi ấy tròn 18 tuổi và thiên tình sử này diễn ra vào đời vua Hùng thứ 18. Các nóc nhà đều hình con thuyền, mũi cong, chia từng khoang đều đặn. Từ dưới sông nhìn lên, từ trên đê nhìn xuống đều thấy các mái đền nối tiếp nhau như một đoàn thuyền đang nhấp nhô ẩn hiện.

  Khu đền vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc thời Nguyễn với nhiều mảng chạm khắc đẹp, tinh tế tập trung ở toà Đại bái và toà Thiêu hương. Tuy các hạng mục công trình không còn trọn vẹn như lúc mới xây dựng, nhưng những gì còn lại cũng cho thấy quy mô bề thế, đồ sộ của khu di tích. Tại đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, rất có giá trị như: Lư hương, lục bình “bách thọ” men ngọc (trên thân được trang trí 100 chữ Thọ không có chữ nào giống chữ nào) có niên đại hàng trăm năm, 38 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn và nhiều bức châm, hoành, câu đối có niên đại thời Lê và Nguyễn.

  Hằng năm, lễ hội tại di tích diễn ra từ ngày mồng 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch để tưởng nhớ đến công lao của các vị thần. Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (còn gọi là lễ hội Đa Hòa - Dạ Trạch, lễ hội tình yêu) là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước. Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài các nghi thức rước kiệu, rước nước, tế lễ,… còn có nhiều trò chơi dân gian, các hoạt động văn hoá, văn nghệ đặc sắc mang đậm nét đặc trưng của nền văn minh sông Hồng.