Văn chỉ Bình Dân

Văn chỉ Bình Dân
Lịch Sử
Khởi Công Khá sớm
Hoàn Thành Không rõ
 Văn chỉ Bình Dân được khởi dựng từ xa xưa và được trùng tu, tu sửa nhiều lần

Chi Tiết Về Văn chỉ Bình Dân

Văn chỉ Bình Dân Chi Tiết Cấp Tỉnh

     Văn Chỉ thờ Đức Thánh Khổng Tử, thờ Chu Văn An các vị đỗ đại khoa (huyện Đông Yên), thôn Bình Dân, Tân Dân, huyện Khoái Châu. Văn Chỉ được xây dựng từ lâu, trùng tu thời Nguyễn. Văn Chỉ được xếp hạng "Lịch sử văn hóa" theo Quyết định số 313-VH/QĐ ngày 28/4/1962. nơi ghi dấu lễ tế cờ của nghĩa quân Bãi Sậy, còn lưu giữ hiện vật như: Bia đá, tượng Nguyễn Thiện Thuật.

Văn chỉ Bình Dân

  Văn chỉ Bình Dân tọa lạc trên một khu đất thoáng đãng tại thôn Bình Dân, xã Tân Dân. Đây là nơi thờ Đức thánh Khổng Tử - người sáng lập ra nền Nho học; thầy giáo Chu Văn An (thời Trần) - người Hiệu trưởng đầu tiên của trường Quốc Tử Giám và các bậc Tiên hiền của Nho học. Hai tấm bia lớn còn lưu giữ tại di tích là “Đông Yên huyện, Tiến sỹ bi ký” và “Đông Yên huyện lịch khoa tiến sỹ bi ký”, ghi danh hơn 30 vị đỗ đại khoa của huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu. Trong đó, xã Bình Dân có 9 vị (01 trạng nguyên, 01 thám hoa, 2 hoàng giáp và 05 tiến sỹ). Không chỉ là Văn chỉ hàng huyện, nơi đây còn từng là đại bản doanh của phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp cuối thế kỷ XIX và thờ thủ lĩnh của phong trào là Tướng quân Nguyễn Thiện Thuật.

  Văn chỉ Bình Dân được khởi dựng từ xa xưa và được trùng tu, tu sửa nhiều lần. Năm 1883, thực dân Pháp đã phá hủy di tích vì đây là nơi hội họp của các nhân sỹ, trí thức và nhân dân yêu nước. Sau đó, Đinh Gia Quế, một thủ lĩnh của nghĩa quân Bãi Sậy đã vận động nhân dân quyên góp tiền của và công sức để phục dựng lại Văn chỉ. Hiện nay, Văn chỉ Bình Dân có kiến trúc hình chữ Nhị gồm Tiền tế 05 gian 02 chái và Hậu cung 05 gian. Các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ lim vững chắc với các mảng chạm khắc hoa lá cách điệu tập trung chủ yếu ở tòa Tiền tế, mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn.

  Hiện nay, Văn chỉ Bình Dân còn bảo lưu một số hiện vật, đồ thờ rất có giá trị như: 05 tấm bia đá (01 tấm dựng năm Tự Đức nguyên niên (1848); 01 tấm dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707); 01 tấm dựng năm Chính Hoà thứ 23 (1702); 01 tấm dựng đầu thế kỷ XVIII và 01 tấm dựng đầu thế kỷ XIX), tượng Nguyễn Thiện Thuật, lục bình sứ,…