Đình Quan Xuyên

Đình Quan Xuyên
Lịch Sử
Đình Quan Xuyên là nơi tôn thờ Ngũ vị đẳng thần

Chi Tiết Về Đình Quan Xuyên

Đình Quan Xuyên Chi Tiết Cấp Tỉnh

        Đình thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Tây Sa công chúa (thời Hùng Vương thứ 18). Phối thờ Vũ Quang Chiếu Phậm Công Nghi (thời Lê), thôn Quan Xuyên, Thành Công, huyện Khoái Châu. Đình được xây dựng từ lâu, trùng tu thời Lê, Nguyễn. Đình được xếp hạng "Kiến trúc - nghệ thuật" theo Quyết định số 1570-VH/QĐ, ngày 5/9/1989. Tại đình còn lưu giữ hiện vật như: Kiệu bát cống, đại tự, quả lầu, sắc phong thời Lê, Nguyễn. Lễ hội hằng năm tổ chức từ ngày mồng 10 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch.

Đình Quan Xuyên

Đình Quan Xuyên tọa lạc ở đầu làng Quan Xuyên, xã Thành Công, mặt tiền nhìn về hướng Tây nơi có dòng sông Hồng chảy qua. Theo truyền thuyết, thôn Quan Xuyên được hình thành vào thời nhà Lý (Lý Thái Tổ 1010 - 1028). Thời gian này, triều đình khuyến khích các binh lính và nhân dân khai khẩn đất hoang, lập làng ấp mới. Những cư dân đầu tiên theo sông Hồng về đến bãi ven sông, thấy đất đai phì nhiêu, lại tiện sông ngòi, đã khai khẩn đất đai, lập làng và đặt tên làng là Quan Xuyên (cửa sông).  Đình Quan Xuyên là nơi tôn thờ Ngũ vị đẳng thần: Chử Đồng Tử cùng Nhị vị phu nhân (Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa) và hai vị thành hoàng là Vũ Quang Chiếu, Phạm Công Nghi. Theo thần phả còn lưu giữ tại đình: Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân có công khai phá đất đai, chăm lo đời sống, mở mang nghề nghiệp và chữa bệnh cho dân. Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Nhị vị phu nhân gắn liền với mảnh đất Đông Yên/An xưa và Khoái Châu nay. Vũ Quang Chiếu là người làng Quan Xuyên, giữ chức Tham tri Hình bộ đời Lê Chiêu Tông (1516- 1522), có công xây dựng vùng quê này và được coi là người sáng tạo ra trò chơi vật lầu ở Quan Xuyên. Phạm Công Nghi là bạn thân, người anh kết nghĩa và tướng đồng triều với Vũ Quang Chiếu, quê ở làng Vĩnh Niệm, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, được phong chức Thái bảo Đại tướng quân.

  Tương truyền, đình được xây dựng khi Vũ Quang Chiếu và Phạm Công Nghi trở về làng Quan Xuyên, kết nghĩa anh em. Tại nơi tổ chức yến tiệc kết nghĩa, thấy thế đất đẹp, Vũ Quang Chiếu đã xây ngôi đình để hội họp việc làng. Đến nay, đình Quan Xuyên vẫn còn giữ được sự đồng bộ về kiến trúc. Công trình hiện nay là kết quả của lần trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Một số mảng chạm khắc trên cốn, đầu bảy mang dấu ấn thời Hậu Lê.

  Đình có kiến trúc gỗ, lợp mái mũi hài, bố cục theo kiểu “Nội Công ngoại Quốc” gồm các hạng mục: Đại bái, Ống muống, Hậu cung và hai nhà Tả vu, Hữu vu. Tòa Đại bái 05 gian 02 chái, kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng. Trên các bức cốn, con rường, xà nách chạm nổi, chạm bong kênh hình đao lửa, tứ linh, tứ quý. Ống muống 01 gian và Hậu cung 03 gian kiến trúc kiểu chồng rường đấu sen, các cấu kiện trang trí đơn giản chủ yếu là hoa lá cách điệu.

  Xưa kia, lễ hội truyền thống đình Quan Xuyên được tổ chức từ mùng 10 đến 16 tháng 2 âm lịch, trong đó 15 tháng 2 là ngày Phạm Công Nghi và Vũ Quang Chiếu kết nghĩa anh em. Theo các cụ kể lại, từ năm 1938 trở đi, cụ Cao Văn Linh (Phán Linh) làm thống phán tòa sứ Hưng Yên (quê ở làng Quan Xuyên) thấy dân làng tổ chức lễ hội hằng năm tốn kém, đã quy định cứ 3 năm tổ chức một lần, vào những năm Thìn - Tuất - Sửu - Mùi. Năm 1946 là năm cuối cùng dân làng tổ chức lễ hội, sau nhiều thập kỷ, đến năm 1991, lễ hội được khôi phục và chỉ diễn ra trong 03 ngày từ ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch. Trong lễ hội có tổ chức tế lễ, rước kiệu, rước nước, đặc biệt là còn diễn ra trò “vật lầu” truyền thống nổi tiếng trong vùng.

  Hiện nay, tại đình còn giữ được một số hiện vật có giá trị như: kiệu bát cống, quả Lầu, 14 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn,…