Đền Hương Quất

Đền Hương Quất
Lịch Sử
Khởi Công Rất sớm
Hoàn Thành Không rõ
Đền Hương Quất được xây dựng từ khá sớm và được tu sửa nhiều lần vào thời Nguyễn

Chi Tiết Về Đền Hương Quất

Đền Hương Quất Chi Tiết Cấp Tỉnh

         Đền thờ Ngũ vị Đại vương (Cầu Công, Lang Công, Tân Công, Chủ Công, Dực Công), thôn Hương Quất, Thành Công, huyện Khoái Châu. Đền được xây dựng từ lâu, trùng tu thời Nguyễn. Đền được xếp hạng "Kiến trúc nghệ thuật" theo Quyết định số 1570-VH/QĐ, ngày 5/9/1989. Tại đền còn lưu giữ hiện vật như: Kiệu bát cống, hạc thời Lê, chuông đồng thời Nguyễn (1882). Lễ hội hằng năm tổ chức từ ngày 19 đến 21 tháng 9 âm lịch.

 

Đền Hương Quất

       Đền Hương Quất được xây dựng trên thế đất cao thoáng tại thôn Hương Quất, xã Thành Công. Toàn bộ diện tích khu đền rộng khoảng 1140 mét vuông, mặt tiền nhìn về hướng Tây Nam.  Đền được xây dựng để tôn thờ Ngũ vị Đại vương, trong đó có bốn vị thủy thần (thời Hùng Duệ Vương) là Cầu Công, Lang Công, Tân Công, Chỗ Công (Chủ Công), và một vị nhân thần (thời Hậu Lý Nam Đế) là Dực Công.

  Thần phả làng Hương Quất chép lại: Bốn vị thủy thần xuất thế được vua phong là Đại tướng quân quản lĩnh đạo thủy binh cùng Tản Viên Sơn Thánh thống lĩnh ba mươi vạn binh đánh tan quân Thục Phán, giữ yên bờ cõi đất nước. Còn Dực Công là người văn võ toàn tài, có công giúp Lý Phật Tử khôi phục nhà Tiền Lý. Sau khi hóa, xét công lao to lớn, các ngài được ban sắc chỉ phong là “Trung đẳng thần”, “Phúc thần” và giao cho xã Hương Quất lập miếu thờ phụng, hương hỏa muôn đời.

  Đền Hương Quất được xây dựng từ khá sớm và được tu sửa nhiều lần vào thời Nguyễn. Hiện nay, đền có kết cấu kiểu chữ Tam gồm các hạng mục: Tiền tế, Trung từ, Hậu cung, mỗi tòa 05 gian và hai Giải vũ. Các hạng mục tương đối đồng bộ, nét chạm khắc mang đậm dấu ấn kiến trúc, mỹ thuật thời Nguyễn được thể hiện trên các cấu kiện như: kèo, xà nách, đầu dư và các bức cốn.

  Đền Hương Quất còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 10 bộ kiệu bát cống, 04 kiệu long đình, 05 cỗ ngai, 02 hạc thờ thời Lê, 01 chuông đồng đúc năm 1882, hệ thống câu đối lòng máng,… được bài trí theo quy chuẩn, có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu mỹ thuật, nghệ thuật đương thời.

  Lễ hội tại di tích diễn ra từ ngày mồng 19 đến ngày 21 tháng 9 âm lịch để tưởng nhớ đến công lao của các vị thần. Chính hội là ngày 20 tháng 9. Theo lệ cũ, cứ 3 năm tổ chức một lần, vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Trong lễ hội ngoài các nghi thức tế lễ, rước kiệu,... làng còn tổ chức giao lưu văn nghệ, hát chèo và một số trò chơi dân gian đặc sắc như: võ gậy, cầu kiều, bắt vịt,...