Đền - Chùa Cót

Đền - Chùa Cót
Lịch Sử
Khởi Công Thời Lý
Hoàn Thành Không rõ
Đền, chùa Cót toạ lạc giữa một không gian thoáng đãng ngoài đê sông Hồng

Chi Tiết Về Đền - Chùa Cót

Đền - Chùa Cót Chi Tiết Cấp Tỉnh

  Đền thờ Linh Lang Đại Vương (thời Lý). Đền được xây dựng thời Lý, trùng tu thời Nguyễn năm 2008. Chùa Cót (Vĩnh An tự) thờ Phật, xây dựng từ lâu, trùng tu năm 1999, thôn Nghi Xuyên, Chí Tân, huyện Khoái Châu. Đên, chùa được xếp hạng "Kiến trúc - nghệ thuật" theo Quyết định số 1539-QĐ ngày 27/12/1990. Tại đền, chùa còn lưu giữ hiện vật như: Sắc phong, kiệu bát cống, ngai thờ. Lễ hội hằng năm vào các ngày mồng 2 tháng Giêng, mồng 10 tháng 2 và ngày 12 tháng 6 âm lịch.

     Đền, chùa Cót toạ lạc giữa một không gian thoáng đãng ngoài đê sông Hồng, tại thôn Nghi Xuyên, xã Chí Tân. Nghi Xuyên xưa là một xã thuộc tổng Đại Quan, huyện Đông Yên/ An, phủ Khoái Châu.

*Đền Cót   

 Căn cứ vào thần tích, sắc phong còn lưu giữ tại đền và truyền ngôn của nhân dân địa phương: Đền Cót là nơi tôn thờ Linh Lang Đại vương (triều Lý). Ngài vốn là thủy thần đã đầu thai làm con vua Lý Thái Tông, giúp vua đánh dẹp giặc Trinh Vĩnh, ổn định bỡ cõi đất nước. Tương truyền, sau khi thắng trận, ngài thu cờ, cưỡi voi quay trở về trại Thuần Lễ, xã Đại Lan (thuộc tổng Đại Quan) và lưu lại nơi đây một thời gian. Khi đi qua vùng này, gặp dân làng bị dịch đậu mùa hoành hành. Ngài cùng quan quân đã dừng lại chữa chạy cho dân. Song không may, ngài và một số quân sĩ bị lây bệnh, nhân dân đã quây cót, lợp mái lá để che gió chữa bệnh cho ngài. Khi Linh Lang mất, dân làng lập đền thờ và nhớ chuyện xưa nên đặt tên đền là đền Cót.

  Đền Cót được khởi dựng vào thời Lý và trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn, những năm 2007 - 2008. Hiện nay, đền có kết cấu kiểu “Tiền Nhất hậu Đinh” gồm các hạng mục Tiền tế 03 gian, Trung từ 03 gian và Hậu cung 01 gian. Các cấu kiện kiến trúc được làm theo lối bê tông giả cổ. Ngôi đền được che phủ, bao quanh bởi quần thể những cây si cổ thụ già cỗi mọc dày đặc, thân lớn, vươn cao, tán lá xòa rộng, mang vóc dáng kỳ dị càng làm tôn thêm vẻ cổ kính, linh thiêng cho di tích.

  * Chùa Cót:

  Chùa Cót (Vĩnh An tự) là nơi thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu và là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Chùa được trùng tu năm 1999 với kết cấu kiểu chữ Đinh gồm Tiền đường 05 gian 02 chái và Thượng điện 04 gian. Hệ thống cột và các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ thuộc nhóm tứ thiết, còn tương đối đồng bộ, vững chắc. Phía sau khu thờ chính là điện thờ Mẫu, thờ Tổ và nhà Hậu.

  Hiện tại, đền, chùa Cót còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: 11 đạo sắc phong (thời Lê, Nguyễn), kiệu bát cống, 02 cỗ ngai, bộ bát bửu,... Đây là những cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao. Để tưởng nhớ công lao của thành hoàng, vào ngày mồng 2 tháng Giêng, mồng 10 tháng 2 và ngày 12 tháng 6 âm lịch, chính quyền và nhân dân địa phương lại nô nức mở hội. Đây là sự kiện quan trọng của địa phương trong năm thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân.