Đền An Lạc

Đền An Lạc
Lịch Sử
Khởi Công Thời Lý
Hoàn Thành Không rõ
 Tại đền hiện còn lưu giữ hai pho tượng Hộ pháp bằng gỗ cao tới 1,8m

Chi Tiết Về Đền An Lạc

Đền An Lạc Chi Tiết Cấp Tỉnh

  Đền thờ Đỗ Anh (thời Lý), thôn An Lạc, Hồng Tiến, huyện Khoái Châu. Tương truyền đền được xây dựng từ thời Lý. Năm 1887, đền bị Pháp đốt phá. Năm 1903, phục dựng lại. Đền được xếp hạng "Lịch sử nghệ thuật" số 97/QĐ ngày 21/1/1992. Tại đền còn lưu giữ hiện vật như: Bia đá, tượng Đỗ Anh Vũ. Lễ hội hằng năm tổ chức vào ngày 20 tháng 9 âm lịch.

Đền An Lạc được xây dựng trên khu đất cao, rộng khoảng 6120m2 ở phía Tây thôn An Lạc, xã Hồng Tiến. Ba mặt Bắc, Đông, Nam giáp khu dân cư.

  Đền thờ Đỗ Anh Vũ - một vị quan đại thần dưới triều Lý (1009 - 1226). Trong tâm thức nhân dân vùng Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) và theo các văn bia nói về cuộc đời của Đỗ Anh Vũ thì ông được khen ngợi là người có tính cách cao quý, “có công mưu lợi ích cho quê hương, cấp đất đai, giúp dân làng được an cư lạc nghiệp”. Cho đến nay, nhân dân các xã Đồng Tiến, Dân Tiến (huyện Khoái Châu), xã Vân Du, Xuân Trúc (huyện Ân Thi) vẫn còn truyền tụng về khu đất Tam thiên mẫu (ba nghìn mẫu ruộng) là thực ấp của Thái úy Đỗ Anh Vũ. Ông được suy tôn là một vị Thánh - Đức Thánh Lác (gọi theo tên Nôm của làng An Lạc, nơi có ngôi đền chính thờ ông).

  Tương truyền, đền được khởi dựng từ thời Lý. Qua các cuộc khảo sát, nghiên cứu đã tìm thấy một số mảnh gạch, ngói mang dấu ấn của văn hoá Lý - Trần. Năm 1887, trong khi đàn áp phong trào Bãi Sậy, thực dân Pháp đã đốt phá toàn bộ ngôi đền. Đến năm Quý Mão (1903), nhân dân địa phương đã góp công, góp của xây dựng lại ngôi đền trên nền móng cũ với kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc” gồm 07 toà 32 gian, trong đó Ngọ môn 03 gian, Tiền tế 05 gian 2 dĩ, cung đệ Nhị 05 gian, hai Giải vũ 10 gian, Cung chính tâm 07 gian,… Trải qua hai cuộc chiến tranh, các hạng mục công trình phần nào đã bị mai một. Chính quyền và nhân dân địa phương đã từng bước khôi phục lại. Hiện nay, đền vẫn giữ kết cấu kiểu “Nội Công ngoại Quốc”. Khu thờ chính gồm: Tiền tế 05 gian, Trung từ 05 gian, Ống muống 02 gian (dọc) và Hậu cung 03 gian. Các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ thuộc nhóm tứ thiết, còn khá đồng bộ, vững chắc. Đặc biệt, toà Hậu cung được làm theo kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, các cấu kiện đều được chạm khắc hoa lá rất cầu kỳ và tinh xảo.

  Tại đền hiện còn lưu giữ hai pho tượng Hộ pháp bằng gỗ cao tới 1,8m, 01 tấm bia ghi thần tích và công trạng của Đỗ Anh Vũ. Để tưởng nhớ công lao của thành hoàng, đền An Lạc thường tổ chức lễ hội vào ngày ngày 20 tháng 9 âm lịch hằng năm.