Đền Sài Thị

Đền Sài Thị
Lịch Sử
Khởi Công Khá sớm
Hoàn Thành Không rõ
 Đền thờ 02 vị Lỗ Công và Nghi Công là tướng thuỷ quân của Vua Hùng thứ 18

Chi Tiết Về Đền Sài Thị

Đền Sài Thị Chi Tiết Cấp Tỉnh

Đền Sài Thị tọa lạc ở trung tâm thôn Sài Thị (nay là thôn 3, làng Sài Thị Thượng), xã Thuần Hưng. Theo truyền thuyết, đền được xây dựng trên thế đất lưng con rồng, đầu nhìn về hướng Tây, đuôi quay về phía Đông. Trước đầu rồng có giếng nước trong xanh nên được gọi là “rồng ngậm ngọc”.

  Đền thờ 02 vị Lỗ Công và Nghi Công là tướng thuỷ quân của Vua Hùng thứ 18. Hai vị cùng quân sĩ chặn đánh, truy đuổi giặc từ sông Kim Ngưu qua sông Hàm Tử đến sông Bạch Hạc thì đánh tan quân Tây Thục. Sau thắng lợi này, hai vị được Vua Hùng phong là Nguyên soái. Các triều đại sau đều phong sắc và cho phép nhân dân được thờ cúng lâu dài.

  Đền Sài Thị được xây dựng khá sớm. Đến thời Nguyễn, đền được trùng tu lớn. Hiện nay, đền có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm hai tòa Tiền tế và Hậu cung. Tòa Tiền tế 07 gian các bộ vì được tạo tác kiểu chống rường đấu sen, các bức cốn của vì giữa chạm tứ linh, tứ quý. Hậu cung 03 gian, các bộ vì làm kiểu đơn giản.

  Tại đền hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: 01 quả chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ 8 (1747), 01 bia niên hiệu Cảnh Hưng thứ 20 (1759), sắc phong (thời Lê, Nguyễn) và một số hiện vật khác.

  Hằng năm, vào hai dịp mồng 2 tháng 6 (ngày sinh) và mồng 2 tháng 12 (ngày hóa) âm lịch, nhân dân địa phương thường tổ chức tế lễ để tưởng nhớ đến công lao của các vị thần. Và theo lệ, cứ ba năm một lần (các năm Tý, Ngọ, Dậu, Mão) vào ngày mồng 6 tháng Giêng, đền lại mở hội lớn. Trong lễ hội có tế lễ, rước nước và diễn ra nhiều trò chơi dân gian truyền thống.