Đình Đào Quạt

Đình Đào Quạt
Lịch Sử
Khởi Công Không rõ
Hoàn Thành Không rõ
Đình Đào Quạt toạ lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng giữa thôn Đào Quạt, xã Bãi Sậy. Người dân thôn Đào Quạt nổi tiếng với nghề làm quạt và họ rất tự hào về ngôi đình làng truyền thống của thôn mình.

Chi Tiết Về Đình Đào Quạt

Đình Đào Quạt Chi Tiết Cấp Quốc Gia

        Đình thờ Đào Công Chí (võ tướng thời Lý), thôn Đào Quạt, bãi Sậy, huyện Ân Thi. Tương truyền đình được xây dựng sau khi tướng quân Đào Công Chí mất, trùng tu thờ Hậu thời Nguyễn. Đình được xếp hạng "Kiến trúc nghệ thuật" theo Quyết định số 141-QĐ/VH ngày 23/1/1997. Hiện nay còn lưu giữ một số hiện vật như: Sắc phong, bia đá (1758), phỗng đá, chân tảng đá thời Lê. Lễ hội hằng năm vào ngày mồng 10 tháng Giêng.

 

         Đình Đào Quạt toạ lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng đãng giữa thôn Đào Quạt, xã Bãi Sậy. Người dân thôn Đào Quạt nổi tiếng với nghề làm quạt và họ rất tự hào về ngôi đình làng truyền thống của thôn mình. Theo thần tích, đình Đào Quạt là nơi tôn thờ Đào Công Chí, một võ tướng thời Lý có công giúp đánh giặc Chiêm Thành đầu thế kỷ XI, đem lại cuộc sống thanh bình, ấm no cho nhân dân. Khi mất, vua Lý vô cùng thương xót vị tướng tài của mình, sai quần thần hành lễ điếu văn, ban thuởng nhiều vàng bạc để làm hương hỏa, lập miếu thờ và phong ông là bậc Đại vương. Ông được nhân dân địa phương tôn thờ làm Thành hoàng làng.

Tương truyền, đình Đào Quạt được khởi dựng sau khi tướng quân Đào Công Chí mất, ban đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Thời Hậu Lê, nhân dân đã tiến hành tu sửa lại. Đến thời Nguyễn, đình được trùng tu với quy mô lớn. Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ Công gồm 05 gian Tiền tế, kiến trúc kiểu con chồng đấu sen. Trung từ 03 gian, các bộ vì kiểu chồng rường giá chiêng. Hậu cung 03 gian, kết cấu vì đơn giản kiểu chồng rường. Trên các bức cốn, hệ thống đầu dư chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo các đề tài tứ linh và quần long,...

Đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: 18 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, bia đá niên đại 1758, phỗng đá, 03 tảng đá hoa sen thời Lê với 09 cánh sen cách điệu rất sinh động.

 

Hằng năm, vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch, nhân dân lại tổ chức lễ hội long trọng để tưởng nhớ ngày mất của tướng quân. Trước kia, trong lễ hội có tổ chức tế lễ, rước kiệu, rước ngai và tượng của thần, rước sắc và có hát trống quân. Ngày nay, lễ hội được tổ chức đơn giản song vẫn đảm bảo các nghi thức văn hoá truyền thống.

Đình làng thờ Tướng quân Đào Quý Công là tướng tài triều Lý có công đánh dẹp giặc Chiêm Thành ở thế kỷ 11 đồng thời cũng là ông tổ của nghề làm Quạt xưa, Đình làng có kiến trúc tinh sảo đặc trưng của văn hóa triều trần, được xây dựng từ khoảng 1022 đến 1025 lúc đầu chỉ là miếu thờ nhỏ. Do chiến tranh giặc giã liên miên lên đến cuối triều trần đầu triều đại nhà Lê Đình làng mới được xây dựng rộng lớn và quy mô như hiện nay. Trong Đình làng nhiều đồ thờ quý và có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng phải kể đến là bộ xương Quạt làm bằng ngà voi nguyên chiếc, dùng làm đồ thờ đây là nguyên mẫu chiếc quạt trước đây dùng để tiến vua. Người Đào Quạt xưa đã lập lên Xuân Phiến Thị (chợ Quạt mùa xuân) tại kinh thành Thăng Long. Có nhiều loại quạt để người dùng lựa chọn: bậc vương hầu khanh tướng thì dùng đại mại phiến (vẩy đồi mồi), nha phiến (ngà voi), đại gia đại phú hay công tử con quan thì dùng ngưu giác phiến (sừng trâu), bạch đàn phiến, chính nhân quân tử thì dùng lão mai phiến (Quạt nan bằng cây mai già),..thường dân thì có Quạt bằng tre, nứa,... vậy mới có câu: Quạt tre là Quạt thường thôi/Quạt thường để bán cho người thường mua. Từ xa xưa các thôn Tố tịnh và Thuận Mỹ yên thái thuộc huyện Thọ Xương (thuộc kinh thành Thăng Long) làm nghề sản xuất giấy và buôn Quạt. Mọi người còn nhớ bài ca dao xưa mà chúng ta đã học: tiếng chuông Trấn vũ canh gà thọ xương/mịt mù khói tỏa...nhịp chày yên thái/mặt gương tây hồ...

Với những giá tiêu biểu về kiến trúc, đình Đào Quạt đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quyết định số 141-QĐ/VH ngày 23/01/1997 xếp hạng là di tích “Kiến trúc - nghệ thuật” cấp Quốc gia.